chi logo thoi

HE THONG CUA HANG 22HE THONG CUA HANG 2 bann shop 1 BANNER DICH VU
Hotline: 0918 468 805 - 0982 015 789
Gọi điện mua hàng nhanh 
 

Chuyên gia tư vấn: 0918 468 805

Tư vấn mua hàng: 0982 015 789

Chế độ dinh dưỡng dưỡng cho người loãng xương

 

             02 xanh

BỆNH LOÃNG XƯƠNG Ở NGƯỜI CAO TUỔI, CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA, CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

 

PGS TS BS Lê Anh Thư

Khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy

Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam,

Chủ tịch Hội Loãng xương TP.HCM

                      

Loãng xương là một trong những bệnh thường gặp nhất ở người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ. Bệnh diễn biến từ từ và thầm lặng nhưng mang lại nhiều hậu quả nặng nề đối với sức khỏe, chất lượng sống, tuổi thọ của người bị bệnh, tạo ra một gánh nặng lớn về kinh tế cho mỗi gia đình và toàn xã hội. Cùng với việc gia tăng tuổi thọ, bệnh đang có xu hướng phát triển rất nhanh trong những năm gần đây và trở thành một trong những bệnh lý mạn tính quan trọng cần phải được phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và theo dõi một cách hệ thống giống như một số bệnh mạn tính quan trọng khác như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, thiếu máu cơ tim cục bộ... Biến chứng nặng nề nhất của loãng xương là gãy xương và chi phí lớn nhất cho bệnh loãng xương hiện nay là để điều trị biến chứng gãy xương, đặc biệt là gãy cổ xương đùi, chỉ riêng các chi phí điều trị cho các vấn đề liên quan đến biến chứng gãy xương của bệnh đã đưa loãng xương trở thành một trong những bệnh mạn tính tiêu tốn nhiều tiền nhất. Chính vì vậy, việc phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị sớm để ngăn ngừa bệnh, ngăn ngừa nguy cơ gãy xương của bệnh có vai trò cực kỳ quan trọng.

 

I. ĐẠI CƯƠNG VỀ MÔ XƯƠNG VÀ BỆNH LOÃNG XƯƠNG:

Loãng xương được định nghĩa là một rối loạn chuyển hoá của bộ xương làm tổn thương sức mạnh của xương đưa đến tăng nguy cơ gãy xương cho con người. Sức mạnh của xương được thể hiện bởi sự toàn vẹn cả về khối lượng và chất lượng của xương.

 

1. Khối lượng xương được biểu hiện bằng: Mật độ khoáng chất của xương (Bone Mineral Density – BMD) hay Khối lượng xương (Bone Mass Content – BMC)

2. Chất lượng xương phụ thuộc vào:

- Thể tích xương và vi cấu trúc của xương

+ Thành phần chất nền của xương

+ Thành phần chất khoáng của xương

- Chu chuyển xương (Thể hiện tình hình sửa chữa và tình trạng tổn thương vi cấu trúc của xương)

3. Chức năng của bộ xương:

- Chức năng giá đỡ của cơ thể (chức năng tạo dáng đứng thẳng của loài người) hay chức năng tạo khung cho cơ thể.

- Chức năng bảo vệ các cơ quan nội tạng của cơ thể: Bộ não, tim, phổi, tuỷ sống, các cơ quan trong ổ bụng, trong tiểu khung…

- Chức năng vận động cùng với hệ thống cơ và các khớp tạo thành hệ thống vận động, giúp con người vận động, lao động và sinh hoạt.

- Chức năng dự trữ Calcium với vai trò như một ngân hàng chất khoáng.

- Chức năng điều hoà Ca++ máu, ion calcium tham gia vào mọi quá trình chuyển hóa quan trọng của cơ thể.

4. Cấu trúc hình thái của xương:

- Vỏ xương (Xương cứng) chiếm 80% toàn khung xương.

- Bè xương (Xương xốp) cấu trúc mạng lưới 3 chiều, giúp xương phát huy chức năng cơ học tối đa.

5. Cấu trúc mô học của xương: 

Xương là một mô sống với thần kinh, mạch máu và các tế bào xương. Có 3 loại tế bào chính, tế bào xương, tế bào sinh xương, tế bào huỷ xương, các tế bào tạo thành mô xương, hòa lẫn vào mô xương và sống trong mô xương, điều khiển lẫn nhau và chịu sự điều khiển của các yếu tố hormone và dịch thể. 

6. Cấu trúc hoá học của xương:

- Protein chiếm 1/3, trong đó 90% là các collagen, cấu trúc dạng mạng lưới, bắt chéo giúp xương có sức chịu lực.

- Chất khoáng chiếm 2/3, là những tinh thể, cấu trúc dạng đĩa gắn vào mạng lưới collagen. Thành phần chính là Calcium, Phosphorus, Magnhe…

7. Chu chuyển xương: Chu trình tái tạo xương gồm các giai đoạn: Nghỉ ngơi – Huỷ xương – Hoàn tất huỷ xương (tạo thành những hốc hủy xương) – Tạo xương – Hoàn tất tạo xương (Tạo xương mới, lấp các hốc xương bị huỷ) – Nghỉ ngơi ….

- Ở trẻ em, sự tạo xương xảy ra rất mạnh (vượt trội hơn quá trình hủy xương), ở các vị trí gần đầu xương, làm xương thay đổi kích thước và tăng trưởng. Đây được gọi là quá trình xây dựng để hoàn chỉnh khối xương vào tuổi trưởng thành.

- Ở người trưởng thành, quá trình tạo xương sẽ tương đương với quá trình huỷ xương, thường xảy ra ở các vị trí xương bị hủy để lấp đầy các hốc xương bị hủy. Đây được gọi là quá trình tái tạo với tốc độ từ 2 – 10% khối xương hàng năm. Ở giai đoạn này, xương được sửa chữa nhưng không thay đổi kích thước và không tăng trưởng.

- Ở người lớn tuổi, quá trình hủy xương sẽ gia tăng theo tuổi, do tình trạng mãn kinh (ở nữ giới), do thiếu calcium và vitamin D, do các yếu tố nguy cơ … mà quá trình tạo xương không bù đắp được, các hốc xương bị hủy ngày càng lớn. Ở giai đoạn này, xương được sửa chữa nhưng không hoàn toàn, khối lượng xương giảm và cấu trúc xương bị hư hại.

 

II. XUẤT ĐỘ VÀ DIỄN BIẾN CỦA LOÃNG XƯƠNG:

Từ hai thập niên gần đây, loãng xương đã trở thành vấn đề y tế cộng đồng vì nhiều người mắc (bệnh ảnh hưởng đến 1/3 phụ nữ và 1/5 đàn ông trên 50 tuổi), vì ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, kinh tế và xã hội. Với tuổi thọ ngày càng tăng hiện nay, ngày càng nhiều người bị bệnh, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi.

Đặc điểm quan trọng nhất của bệnh là diễn biến từ từ và thầm lặng, người bị loãng xương  thường không biết mình bị bệnh, cho đến khi bị biến chứng gãy xương. Gãy xương do loãng xương thường gặp nhất ở cổ tay, đốt sống và cổ xương đùi. Gãy xương do loãng xương có thể xảy ra ngay cả trong những hoạt động hàng ngày, làm cho người bệnh đau đớn, mất khả năng vận động, mất khả năng sinh hoạt tối thiểu. Đặc biệt ở người lớn tuổi, gãy đốt sống và gãy cổ xương đùi không chỉ gây tàn phế mà còn tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh. Gãy cổ xương đùi trong loãng xương được so sánh tương đương với đột quỵ trong tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim trong thiếu máu cơ tim cục bộ.

- 20% người bệnh tử vong trong vòng 1 năm.

- 20% người bệnh phải có người trợ giúp suốt cuộc đời còn lại.

- 30% người bệnh bị tàn phế, phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.

- Chỉ có khoảng 30% người bệnh có thể hội nhập trở lại với cuộc sống xã hội nhưng lúc nào cũng còn bị nguy cơ tái gãy xương rình rập.

Loãng xương là bệnh không khó chẩn đoán, nhưng vì không có triệu chứng nên thường được chẩn đoán trễ, khi đã có biến chứng gãy xương.

 

III. CHẨN ĐOÁN LOÃNG XƯƠNG:

1. Lâm sàng:

1.1. Biểu hiện lâm sàng:

- Đau mỏi mơ hồ ở cột sống, đau dọc các xương dài (đặc biệt xương cẳng chân), đau mỏi cơ bắp, ớn lạnh, hay bị chuột rút (vọp bẻ) các cơ…

- Đau thực sự cột sống, đau lan theo khoang liên sườn, đau khi ngồi lâu, khi thay đổi tư thế. Có thể đau mạn tính hoặc cấp tính sau chấn thương (gãy xương cổ tay, gãy lún đốt sống, gãy cổ xương đùi…)

-  Đầy bụng chậm tiêu, nặng ngực khó thở.

- Gù lưng, giảm chiều cao.

Tuy nhiên, loãng xương là bệnh diễn biến âm thầm, người ta thường ví bệnh giống như một tên ăn cắp thầm lặng, hằng ngày cứ lấy dần lượng canxi trong ngân hàng dự trữ xương của cơ thể con người. Khi có dấu hiệu lâm sàng, thường là lúc đã có biến chứng, cơ thể đã bị mất tới 30% khối lượng xương.

1.2. Biến chứng của loãng xương:

- Đau kéo dài do chèn ép thần kinh.

- Gù vẹo cột sống, biến dạng lồng ngực…

- Gãy xương cổ tay, gãy đốt sống, gãy cổ xương đùi.

Giảm khả năng vận động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống.

2. Cận lâm sàng:

- Chụp X quang cột sống lưng để tìm dấu hiệu gãy đốt sống.

- Đo khối lượng xương bằng phương pháp như đo hấp phụ năng lượng tia X kép ở các vị trí trung tâm (cổ xương đùi, cột sống thắt lưng), kỹ thuật vàng để đáp ứng với tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán loãng xương của Tổ chức y tế thế giới.

- Một số kỹ thuật đo khác như: hấp phụ năng lượng quang phổ đơn, đo hấp phụ năng lượng quang phổ kép, chụp cắt lớp điện toán định lượng, siêu âm... có thể được sử dụng.

- Ngoài ra, trong những trường hợp cần thiết, người bệnh có thể được làm các xét nghiệm các makers chu chuyển xương để đánh giá hoạt động của chu chuyển xương.

 

IV. VỀ MẶT LÂM SÀNG CÓ THỂ PHÂN LOẠI LOÃNG XƯƠNG THÀNH 3 NHÓM:

1. Loãng xương người già (loãng xương tiên phát): có đặc điểm là tăng quá trình hủy xương và giảm quá trình tạo xương; nguyên nhân do các tế bào sinh xương bị lão hoá, sự hấp thụ canxi và vitamin D ở ruột bị hạn chế, sự suy giảm tất yếu các hormon sinh dục (ở cả nữ và nam). Loãng xương tiên phát thường xuất hiện muộn, diễn biến chậm, tăng từ từ và ít có những biến chứng nặng nề như gãy xương hay lún xẹp các đốt sống.

2. Loãng xương sau mãn kinh: có đặc điểm là tăng quá trình hủy xương trong khi quá trình tạo xương vẫn bình thường do sự ngưng đột ngột hoạt động của buồng trứng, làm thiếu hụt oestrogen vì vậy các tế bào hủy xương không được kiểm soát.

3. Loãng xương thứ phát: khi có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ sau đây: còi xương suy dinh dưỡng, thiếu canxi từ nhỏ, khối lượng xương lúc trưởng thành thấp, ít hoạt động thể lực, bị các bệnh mạn tính đường tiêu hoá (dạ dầy, ruột…), hội chứng kém hấp thu… làm hạn chế hấp thu canxi, vitamin D, protid…, có thói quen hút thuốc, sử dụng nhiều rượu, bia, cà phê, muối … làm tăng thải canxi qua đường tiết niệu và giảm hấp thu canxi ở đường tiêu hóa, giảm hoạt động của các tuyến sinh dục nam và nữ (mãn kinh, mãn dục nam...), bất động quá lâu ngày do bệnh tật, bị các bệnh nội tiết: cường tuyến giáp, cường tuyến cận giáp, cường tuyến vỏ thượng thận, đái tháo đường…, bị suy thận mạn hoặc phải chạy thận nhân tạo lâu ngày gây rối loạn chuyển hóa và mất canxi qua đường tiết niệu, mắc các bệnh xương khớp mạn tính (đặc biệt là viêm khớp dạng thấp và thoái hoá khớp), phải sử dụng dài hạn một số thuốc: thuốc chữa bệnh đái tháo đường (insulin), thuốc chống đông (heparin) và đặc biệt là các thuốc kháng viêm nhóm corticosteroid (nhóm thuốc này vừa ức chế trực tiếp quá trình tạo xương, vừa làm giảm hấp thu calci ở ruột, tăng bài xuất canxi ở thận và gia tăng quá trình huỷ xương).

 

V. CÓ THỂ PHÁT HIỆN SỚM BỆNH LOÃNG XƯƠNG:

Tuy bệnh không có triệu chứng đặc hiệu nhưng cần chủ động kiểm tra cho phụ nữ quanh tuổi mãn kinh, người trên 60 tuổi cả 2 giới, người trẻ tuổi nhưng có các yếu tố nguy cơ (nêu trên) :

1. Tầm soát các yếu tố nguy cơ gây loãng xương thứ phát.

2. Đi khám bệnh sớm, ngay khi có các dấu hiệu đau mỏi mơ hồ ở cột sống, ở hệ thống xương khớp, dọc các xương dài (đặc biệt xương cẳng chân), đau mỏi cơ bắp, chuột rút… Các bác sĩ chuyên khoa sẽ cho kiểm tra:

- Chụp Xquang xương hoặc cột sống

- Đo khối lượng xương ở cột sống thắt lưng và cổ xương đùi (bên không thuận)

- Các xét nghiệm thường quy (công thức máu, chức năng gan, thận, ion đồ, vitamin D…)

3. Khám bệnh và theo dõi định kỳ (tuỳ mức độ bệnh)

4. Luôn có ý thức phòng ngừa loãng xương từ khi chưa có bệnh (trong suốt cuộc đời)

- Chế độ sinh hoạt, tập luyện tăng cường hoạt động ngoài trời, tập vận động thường xuyên và phù hợp với sức khoẻ, duy trì lối sống năng động, tránh các thói quen xấu: uống nhiều bia, rượu, cà phê, hút thuốc lá, ăn nhiều muối…

- Chế độ ăn uống luôn luôn bảo đảm đầy đủ protein và khoáng chất, đặc biệt là canxi. Vì vậy sữa và các chế phẩm từ sữa (bơ, phomai, sữa chua…) là thức ăn bổ sung lý tưởng cho một khung xương khỏe mạnh. Chế độ này cần được duy trì suốt cuộc đời mỗi người.

– Kiểm soát tốt các bệnh lý ảnh hưởng và các yếu tố nguy cơ gây loãng xương.

 

VI. ĐIỀU TRỊ LOÃNG XƯƠNG:

Theo thông báo của Liên đoàn chống bệnh loãng xương Thế giới (IOF), hiện nay, chi phí cho bệnh loãng xương tương đương với chi phí cho bệnh đái tháo đường và lớn hơn chi phí cho cả hai bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ cộng lại (ung thư vú và ung thư tử cung). Chi phí lớn nhất cho bệnh loãng xương là để điều trị biến chứng gãy xương, đặc biệt là gãy cổ xương đùi. Các chi phí y tế để điều trị các biến chứng gãy xương do loãng xương bao gồm:

1. Chi phí nằm bệnh viện để điều trị gãy xương: kết hợp xương, thay chỏm xương đùi, nẹp vít cột sống, thay đốt sống hay phục hồi chiều cao của đốt sống…

2. Chi phí điều trị các biến chứng do nằm lâu ở người có tuổi bị gãy xương (vì phải bất động chỗ xương gãy, vì không vận động được) như: viêm phổi, viêm đường tiết niệu, loét tư thế…

3. Chi phí cho các thuốc điều trị tích cực bệnh loãng xương: Thuốc chống hủy xương (thường là nhóm Bisphosphonat…) trong suốt quãng đời còn lại của người bệnh để tránh gãy xương tái phát.

Mục tiêu của điều trị loãng xương là ngăn ngừa biến chứng gãy xương, ngăn ngừa tái gãy xương. Các thuốc điều trị hiện tại có thể làm giảm 50% nguy cơ gãy xương. Nhưng, điều quan trọng là phải chẩn đoán sớm, điều trị sớm, điều trị liên tục và đủ liệu trình (3 – 5 năm hoặc dài hơn) tùy tình trạng bệnh lý. Điều trị loãng xương phải dựa trên cơ sở chế độ ăn uống sinh hoạt, vận động (Điều trị không dùng thuốc) và thuốc men (Điều trị thuốc) hợp lý.

 

*Các biện pháp điều trị:

1. Về chế độ ăn uống sinh hoạt:

Cần duy trì một chế độ ăn uống đầy đủ, đa dạng, phù hợp với nhu cầu của cơ thể trong từng giai đoạn, từng lứa tuổi, từng thói quen sinh hoạt. Nhìn chung chế độ ăn của dân ta còn rất thiếu canxi. Ở người có tuổi cần  quan tâm đến các thành phần khoáng chất (đặc biệt là canxi) và protid trong khẩu phần ăn vì ở người có tuổi khả năng ăn uống và hấp thu các chất dinh dưỡng và khoáng chất đều bị hạn chế. Chính vì vậy sữa là một loại thức ăn lý tưởng để cung cấp cả canxi và protid cho người có tuổi. Lượng sữa (sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa) cần thiết mỗi ngày tương đương 500 đến 1.000 ml. Với những người không dung nạp sữa hay không có khả năng dùng sữa, cần tận dụng tối đa các nguồn canxi thực phẩm khác như rau có màu xanh, trái cây mầu đậm, cua đồng, cá nhỏ nguyên xương… và các viên thuốc chứa canxi. Lưu ý là khi dùng viên canxi, luôn luôn phải uống đủ nước và duy trì vận động đủ để tránh tình trạng lắng đọng canxi ở hệ niệu.

 

2. Cần duy trì một chế độ sinh hoạt, vận động thể lực đều đặn, vừa sức, tăng cường các hoạt động thể lực ở ngoài trời:

- Việc vận động thường xuyên vừa có ích cho toàn cơ thể vừa tác dụng tốt trực tiếp cho hệ thống xương cơ khớp, chống thoái hóa và chống loãng xương, tận dụng nguồn vitamin D “trời cho”.

- Tập các động tác có kháng lực, chịu lực, tập sức cơ: đi bộ hoặc chạy bộ nhẹ, sử dụng tạ tay nhẹ.

- Đối với người lớn tuổi, khi tập luyện, cần tránh bị té ngã vì khi xương đã bị loãng, gãy xương sẽ rất dễ xảy ra, ngay khi bị các chấn thương nhẹ, khi bị gãy, xương lại rất khó liền. Điều trị các bệnh về mắt, thần kinh, khớp…, bảo đảm đủ ánh sáng, tránh trơn trợt… để giảm nguy cơ té ngã.

- Việc bất động do gãy xương không những làm loãng xương nặng thêm mà còn là nguy cơ của nhiều bệnh lý do phải nằm lâu khác như: loét lưng, viêm phổi, viêm đường tiểu…

 

3. Chế độ thuốc:

- Các thuốc giảm đau chỉ dùng khi cần thiết, tùy mức độ có thể dùng các thuốc giảm đau đơn thuần hay giảm đau kết hợp, có một số thuốc có tác dụng giảm đau sau khi bị gãy xương do loãng xương. 

- Cung cấp canxi và vitamin D theo nhu cầu của cơ thể nếu khẩu phần ăn hàng ngày chưa đáp ứng đủ.

- Sử dụng thuốc điều trị loãng xương, thông thường nhất là nhóm bisphosphonate với các dạng uống mỗi tuần một liều, mỗi tháng một liều hay truyền tĩnh mạch mỗi năm một lần, theo chỉ định và theo dõi của thầy thuốc.

Để có kết quả, việc điều trị loãng xương cần toàn diện, liên tục và lâu dài. Thời gian điều trị bệnh loãng xương phải được tính bằng năm chứ không tính được bằng tháng (để đánh giá kết quả điều trị, thường phải sau 2-3 năm).

 

*Khó khăn trong điều trị loãng xương:

Loãng xương là một bệnh chiếm tỉ lệ khá cao trong dân số người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ. Mặc dù đã có nhiều hướng dẫn điều trị nhưng việc điều trị thành công loãng xương ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn do những yếu tố sau:

1. Do tính chất của bệnh: Loãng xương là một bệnh âm thầm không triệu chứng, cho đến khi biến chứng gãy xương ( Đau do gãy cột sống, gãy cổ xương đùi…) do đó bệnh nhân đến khám, được chẩn đoán và điều trị rất muộn đưa đến hiệu quả điều trị thấp và hậu quả bệnh nhân tàn phế cũng như bất động lâu.

2. Do thuốc và phác đồ: Thời gian cho một liệu trình điều trị loãng xương phải liên tục và kéo dài (từ 3 - 5 năm) do đó việc tuân thủ điều trị của người bệnh rất khó khăn. Phức tạp của việc dùng thuốc: Ví dụ như Alendronate hoặc Ibandronate phải uống vào lúc bụng đói, trước ăn 30 phút, sau uống người bệnh phải vận động, không để thực quản nằm ngang…

3. Nhận thức về tầm quan trọng của bệnh, của việc điều trị loãng xương còn hạn chế, một số bệnh nhân cho rằng loãng xương là bệnh của người già, không cần chữa, một số bệnh nhân quên uống thuốc, một số bệnh nhân khi thấy giảm triệu chứng đau nhức sẽ tự bỏ thuốc.

4. Do điều kiện kinh tế - xã hội: Thu nhập bình quân đầu người còn thấp, bệnh nhân loãng xương đa số là người cao tuổi, phần nhiều sống phụ thuộc vào con cháu, việc chi trả bảo hiểm y tế cho thuốc điều trị loãng xương còn có nhiều bất cập… nhiều người bệnh không tiếp cận được với điều trị do vậy việc tuân thủ đầy đủ liệu trình điều trị còn nhiều hạn chế. 

5. Nhiều bệnh viện chưa được trang bị máy đo mật độ xương vì vậy việc chẩn đoán loãng xương còn nhiều bất cập, còn rất nhiều bệnh nhân chưa được chẩn đoán.

6. Chưa có chương trình phòng ngừa loãng xương mang tầm vóc quốc gia do vậy mà chưa huy động được nguồn lực và nhiều thành phần xã hội tham gia, đặc biệt là bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội.

 

VII. PHÒNG NGỪA LOÃNG XƯƠNG:

1. Loãng xương - bệnh khó chữa nhưng có thể phòng ngừa:

Loãng xương được xếp vào một trong những căn bệnh khó có khả năng hồi phục hoàn toàn, không những thế việc điều trị bệnh loãng xương thường phức tạp và rất tốn kém do phải sử dụng những loại thuốc đặc trị, quá trình điều trị phải liên tục và kéo dài trong nhiều năm. Các nghiên cứu theo dõi dài hạn cho thấy việc điều trị đã làm giảm các nguy cơ gãy xương, tăng được khối lượng khoáng chất của xương, giảm đau đớn, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người có tuổi. Tuy nhiên, chi phí cho điều trị loãng xương khá cao (hơn chi phí điều trị của 2 bệnh lý ung thư thường gặp ở phụ nữ, ung thư vú và ung thư cổ tử cung) vì vậy loãng xương đang trở thành gánh nặng kinh tế cho mỗi  gia đình và toàn xã hội.   

2. Phòng ngừa loãng xương, một biện pháp hiệu quả và kinh tế:

Cách hiệu quả duy nhất để giảm thiểu gánh nặng của loãng xương là phòng ngừa loãng xương, phòng ngừa sớm, phòng ngừa ngay từ khi cuộc sống bắt đầu. Đây là việc phải duy trì  suốt cuộc đời. Nếu khối lượng xương đỉnh tăng được 10%, sẽ giảm được 50% nguy cơ gãy xương do loãng xương trong suốt cuộc đời.

- Chế độ sinh hoạt, tập luyện tăng cường hoạt động ngoài trời, tập vận động thường xuyên và phù hợp với sức khoẻ, duy trì lối sống năng động, tránh các thói quen xấu : uống nhiều ruợu, cafe, thuốc lá…

- Chế độ ăn uống: luôn luôn bảo đảm một chế độ ăn uống đầy đủ Protein và khoáng chất, đặc biệt là Canxi. Vì vậy sữa và các chế phẩm từ sữa (Phoma, Yaourt…) là thức ăn lý tưởng cho một khung xương khoẻ mạnh. Chế độ này cần được duy trì suốt cuộc đời mỗi người.

- Kiểm soát tốt các bệnh lý ảnh hưởng và các yếu tố nguy cơ của bệnh (bệnh lý viêm khớp, giảm thị lực, giảm thính lực, tránh nguy cơ té ngã, duy trì cân nặng hợp lý…) cũng có thể đem lại lợi ích cho từng cá nhân trong việc giảm tình trạng mất xương.

 

VIII. KẾT LUẬN:

- Bệnh loãng xương và các biến chứng nặng như gãy cổ xương đùi, gãy đốt sống… là một gánh nặng đối với y tế cộng đồng vì chi phí điều trị cho các biến chứng này rất lớn, vượt quá khả năng của phần lớn bệnh nhân. 

- Tuy nhiên, phòng bệnh sẽ kinh tế hơn chữa bệnh rất nhiều, đây là giải pháp tốt nhất cho mọi quốc gia, đặc biệt các nước nghèo như nước ta. Hãy phòng ngừa bệnh loãng xương cho mình và mọi người xung quanh bằng việc bổ sung canxi vào khẩu phần ăn hàng ngày và tăng cường vận động càng sớm càng tốt. Nếu khối lượng xương đỉnh lúc trưởng thành tăng 10%, sẽ giảm được 50% nguy cơ gãy xương do loãng xương trong suốt cuộc đời.

Phòng ngừa bệnh loãng xương cũng là đầu tư cho sức khỏe, việc làm này phải là trở thành ý thức tự giác của các thế hệ, của toàn xã hội, để cải tạo nòi giống, để cải thiện cách ăn uống, sinh hoạt chưa hợp lý của phần lớn các nước đang phát triển ở Châu Á trong đó có Việt Nam.

 

Thương hiệu bán chạy

02
04
05
06
08
10
20
22
23
24

 LOGO NGUOI CAO TUOI 1 

 

 

LOGO GIA DINH 1

 

SHOP SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI

CÔNG TY TNHH TRUYỀN THÔNG SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG VIỆT NAM

Mã số thuế: 0316027720 -  Ngày cấp: 21/11/2019

Nơi ĐK: Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Thành Phố Hồ Chí Minh

Trụ sở: 757 (số cũ 79) Nguyễn Kiệm, P.3, Quận Gò Vấp, TP.HCM

Gọi điện mua hàng: 0982 015 789 

 

SHOP SỨC KHỎE GIA ĐÌNH 

Đ/C: 151 Phan Văn Hớn, Tân Thới Nhất, Q.12

Gọi điện mua hàng: 0939 342 151

www.shopsuckhoegiadinh.vn

Email: shopsuckhoenguoicaotuoi@gmail.com

Website: www.shopsuckhoenguoicaotuoi.vn

Tel:  0983 015 789